Khám phá sự khác nhau giữa in offset và in kỹ thuật số
In offset và in kỹ thuật số là hai phương pháp in ấn phổ biến nhất hiện nay. Một câu hỏi khách hàng thường gặp phải là: Phương pháp nào tốt hơn? Để giải đáp điều này, mời bạn cùng Hải Âu tham khảo bài viết dưới đây nhé!
1. In offset là gì?
Offset là kỹ thuật in sử dụng các tấm cao su có hình ảnh đã dính mực, sau đó dùng lực ép để in các hình ảnh đó lên giấy. So với phương pháp in thạch bản, in offset hạn chế tối đa tình trạng giấy in bị dính nước và hư hỏng trong quá trình in ấn.
Một số ưu điểm của phương pháp in này bao gồm:
– Thành phẩm rõ nét, màu sắc đẹp và không bị lem, mờ
– Phương pháp in này có thể thực hiện trực nhiều loại chất liệu và bề mặt
– Tuổi thọ bản in cao hơn các phương pháp in khác
2. Quy trình in offset
Nguyên lý in offset dựa trên phương pháp in phẳng, có cải tiến đôi chút. Đầu tiên, hình ảnh cần in sẽ được khắc trên bản in có tính quang hoá, với đặc điểm là bắt mực nhưng không bắt nước. Do đó, thành phẩm không bị ướt và khô rất nhanh.
Quy trình in thông thường gồm 5 bước sau:
2.1. Thiết kế chế bản in offset:
Đây là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình in offset. Bởi nếu chế bản xảy ra hư hỏng hoặc thông tin sai lệch sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn bản in sau đó. Do đó, chế bản được tạo ra trên máy tính với độ chuẩn xác vô cùng cao.
Trong quá trình thiết kế, các thông tin cần in như chữ viết, hình ảnh sẽ được sắp xếp sao cho hài hoà và thẩm mỹ về hình thức và màu sắc. Giai đoạn này đòi hỏi người thực hiện không chỉ có tay nghề cao, mà còn phải có mắt nhìn thẩm mỹ tốt. Sau khi hoàn thành chế bản, khách hàng sẽ xem xét, phản hồi, còn phía nhà in sẽ tiến hành điều chỉnh đến khi hai bên thống nhất mới tiến hành bước kế tiếp.
2.2. Sản xuất output film:
Theo nguyên tắc phối hợp màu sắc thì từ 3 hay 4 màu cơ bản, bạn có thể tạo ra tất cả các màu sắc còn lại. Output film chính là những tấm film mang những màu cơ bản đó. Thông thường có 4 tấm output film gồm C (Cyan), M (Magenta), Y (Yellow), K (Black).
Nhân viên kỹ thuật sẽ điều chỉnh thông số các màu sắc ở từng tấm film, sao cho khi ghép chồng lên nhau sẽ tạo ra hình ảnh có màu như chế bản in offset. Quá trình này còn gọi là “output 4 tấm film”. Công đoạn này thoạt nghe có vẻ phức tạp, nhưng với sự hỗ trợ của máy tính sẽ trở nên rất đơn giản và nhanh chóng.
2.3. Phơi bản kẽm:
Sau khi đã hoàn thành việc “output 4 tấm film”, từng tấm một sẽ được phơi trên một bản kẽm. Bạn có thể đơn giản, đây là quá trình sao chép các tấm film lên bản kẽm bằng thiết bị chuyên dụng gọi là máy phơi kẽm.
2.4. Tiến hành in offset:
Khi tiến hành in offset, nhân viên kỹ thuật sẽ in từng màu một trong 4 màu CMYK. Thực tế, thứ tự in các màu không cố định, mà sẽ tuỳ vào kinh nghiệm của nhân viên kỹ thuật, sao cho thành phẩm giống với bản thiết kế ban đầu nhất.
Do đó, việc in nháp là rất cần thiết. Bao giờ cũng vậy, xưởng in luôn trừ hao một số bản in thử trước khi chính thức in số lượng lớn. Tuy nhiên, hy vọng trong tương lai sẽ có công nghệ mới khắc phục hạn chế này để quá trình phối màu chính xác hơn.
Đầu tiên, nhân viên kỹ thuật sẽ chọn lần lượt từng bản kẽm màu để lắp đặt lên quả lô của máy in. Ở phần nạp mực cho máy, nhân viên kỹ thuật cũng sẽ chọn loại mực tương ứng với màu sắc của bản kẽm đang dùng. Sau đó, quả lô sẽ quay qua tờ giấy và đập phần tử in xuống tờ giấy in đã chuẩn bị sẵn.
Sau khi chạy qua một lượt tất cả giấy in, nhân viên kỹ thuật mới tháo bản kẽm ra ra và lắp bản kẽm mới vào. Quá trình tiếp tục như vậy cho đến khi hết cả 4 bản kẽm. Như vậy, một tờ giấy in offset sẽ trải qua quá trình in bản kẽm 4 lần để ra được thành phẩm cuối cùng.
2.5. Gia công sau khi in offset:
Gia công bao gồm những công việc khác sau khi in xong như: cán mờ, cán bóng, cắt gọn,… Trong đó, cán mờ hay cán bóng là tráng một lớp nhựa mỏng, mờ hoặc bóng lên bề mặt tờ giấy đã in để tăng độ bền và thẩm mỹ. Đối với một số ấn phẩm có hình dáng đặc biệt như: tam giác, ngôi sao, lục giác,… thì xưởng in cũng sẽ tiến hành cắt gọn lại theo yêu cầu của khách hàng. Gia công là công đoạn không bắt buộc mà tuỳ vào yêu cầu của từng đơn hàng.
3. In offset hay in kỹ thuật số tốt hơn?
Bên cạnh in offset, một phương pháp khác cũng được rất nhiều người lựa chọn là in kỹ thuật số. Vậy phương pháp nào tối ưu hơn?
3.1. In kỹ thuật số là gì?
In kỹ thuật số được xem là phương pháp in hiện đại nhất hiện nay. Đưa dữ liệu cần in vào máy tính, phần mềm sẽ tự động tính toán màu sắc. Máy tính được kết nối với máy in, nên thành phẩm sẽ được in ra ngay, bỏ qua được rất nhiều công đoạn trung gian.
Do đó, in kỹ thuật số tiết kiệm được rất nhiều thời gian và có độ chuẩn xác cao. Đặc biệt, in kỹ thuật số đáp ứng tốt nhu cầu in nhiều và in lấy gấp.
3.2. Điểm giống nhau giữa in offset và in kỹ thuật số:
Từ định nghĩa của hai phương pháp in, bạn có thể thấy những điểm giống nhau như sau:
– Đều là những kỹ thuật in ấn hiện đại, cho ra những bản in đẹp, chuẩn xác về màu sắc, không bị mờ, lem
– In được số lượng lớn trong thời gian ngắn
– Không hạn chế hình ảnh, chữ viết hay bất kỳ hoạ tiết in nào
3.3. Điểm khác nhau giữa in offset và in kỹ thuật số:
Bên cạnh những điểm giống nhau thì hai phương pháp in này cũng có những điểm khác nhau như sau:
– Kích thước bản in offset thường rơi vào 29 – 40’’, trong khi in kỹ thuật số nhỏ hơn, chỉ khoảng 19 – 29’’
– Màu sắc bản in offset chân thực và sắc nét hơn bản in kỹ thuật số. Tuy nhiên, hệ màu của in offset lại không đa dạng bằng in kỹ thuật số.
– Phương pháp offset có thể in số lượng rất lớn trong thời gian ngắn, trong khi in kỹ thuật số phải hoàn thành từng bản một, nên lâu hơn rất nhiều
– Quy trình in offset phức tạp và khó vận hành hơn in kỹ thuật số
– Giá thành phương pháp offset có phần cao hơn in kỹ thuật số – sử dụng bản in nhỏ, màu sắc ít nét và quy trình đơn giản
Vậy in offset hay in kỹ thuật số tốt hơn?
Từ những phân tích trên, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, nên không thể khẳng định phương pháp nào tối ưu hơn hoàn toàn. Căn cứ vào nhu cầu, mục đích và ngân sách mà bạn sẽ xem xét và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.
Thông tin về phương pháp in offset và in kỹ thuật số cũng đã khép lại bài viết này tại đây. Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đã phần nào sáng tỏ thông tin về kỹ thuật in offset và kỹ thuật số để lựa chọn khi có nhu cầu. Hải Âu cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.
Bài viết Khám phá sự khác nhau giữa in offset và in kỹ thuật số đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Ly Hải Âu.
source https://lyhaiau.com/so-sanh-in-offset-va-in-ky-thuat-so/
Nhận xét
Đăng nhận xét